Viện Công nghệ vũ trụ tham gia nghiên cứu, triển khai thiết bị TriOS RAMSES thu thập dữ liệu phổ quang học mặt nước trên chuyến khảo sát biển bằng tàu Viện sĩ Oparin
Trong chuyến khảo sát hỗn hợp giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga (VAST - FEB RAS) bằng tàu Viện sĩ Oparin từ ngày 18/5/2023 đến 07/6/2023, Viện Công nghệ vũ trụ đã tham gia triển khai thu thập dữ liệu phổ quang học vùng biển Nam Trung Bộ sử dụng thiết bị TriOS RAMSES, một trong những thiết bị đo phổ phản xạ bề mặt biển tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới. Đây là lần thứ 4 các nhà khoa học Viện Công nghệ vũ trụ tham gia chuyến khảo sát biển bằng tàu Viện sĩ Oparin và lần thứ 2 triển khai các thiết bị đo đạc chuyên dụng như thế này trên tàu.
Trong nhiều nhiệm vụ khoa học trước đây, thông qua việc sử dụng thiết bị TriOS RAMSES, kết hợp dữ liệu ảnh vệ tinh và dữ liệu đo đạc thực địa các thông số môi trường nước, Viện Công nghệ vũ trụ đã triển khai thành công nhiều nghiên cứu quan trọng như phát triển thuật toán hiệu chỉnh khí quyển trên ảnh vệ tinh như VNREDSat-1, Landsat-8/9, Sentinel-2; phát triển thuật toán xác định một số thông số môi trường nước vùng nước ven bờ và trong đất liền (hàm lượng vật chất lơ lửng, Chlorophyll-a...). Các kết quả nghiên này được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm và ứng dụng trong các nghiên cứu đánh giá chất lượng môi trường nước.
Việc tham gia các chuyến khảo sát biển lần này trên tàu Viện sĩ Oparin, cùng hệ thống thiết bị TriOS RAMSES mang theo và phối hợp đồng bộ với chụp ảnh vệ tinh VNREDSat-1, được coi là cơ hội để các nhà nghiên cứu Viện Công nghệ vũ trụ phát triển các nghiên cứu ứng dụng ảnh viễn thám quang học trong đánh giá các vùng nước xa bờ nơi mà khó có thể thường xuyên triển khai các phương pháp đo đạc trực tiếp.
Hình ảnh các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ vũ trụ triển khai thiết bị TriOS RAMSES thu thập dữ liệu phổ quang học mặt nước vùng biển Nam Trung Bộ từ tàu Viện sĩ Oparin
TriOS RAMSES là thiết bị cung cấp phổ phản xạ ánh sáng trong phạm vi UV (cực tím), VIS (vùng nhìn thấy) và NIR (hồng ngoại gần). Nhờ kích thước và khối lượng nhỏ gọn cũng như mức tiêu thụ điện năng rất thấp, chúng đặc biệt thích hợp cho các ứng dụng cầm tay và tự động. Thiết bị được thiết kế, chế tạo cho phép hoạt động trong các môi trường khắc nghiệt như lắp đặt trên tàu hoặc đo lường tự động ở những nơi ít khi con người tiếp cận. Thiết bị TriOS đang được sử dụng nhiều trong đo đạc chất lượng nước, khảo sát thực địa, kiểm định vệ tinh, vật lý quang học, nghiên cứu khí hậu… Hình ảnh thiết bị TriOS RAMSES |