Nhandan newspaper - Vietnamese version - Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Sau hơn bảy tháng được phóng lên quỹ đạo và hơn ba tháng phía Pháp bàn giao cho Việt Nam chính thức quản lý, hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 hoạt động ổn định và chụp được một lượng ảnh khá lớn các khu vực thuộc lãnh thổ nước ta. Tuy nhiên để khai thác có hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng các đối tượng sử dụng ảnh viễn thám, phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ (CNVT), Trưởng ban vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) cho biết: Sau hơn ba tháng, hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 được phía Pháp bàn giao cho Việt Nam quản lý, vận hành và khai thác. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Ðiều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ, Viện CNVT (Viện HLKH và CNVN) với Trạm thu ảnh, Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc điều khiển, đặt lịch làm việc cho vệ tinh, thu nhận và xử lý các sản phẩm ảnh, cũng như xử lý an toàn các sự cố của hệ thống VNREDSat-1. Hoạt động của hệ thống vệ tinh VNREDSat-1, sau khi được phóng lên hơn nửa năm qua cho thấy vệ tinh có khả năng chụp ảnh bất kỳ vị trí nào trên bề mặt trái đất với độ phân giải cao. Ðến nay, số lượng ảnh đã chụp, xử lý và lưu trữ là 19 nghìn 190 cảnh ảnh, có kích thước 17,5 km x 17,5 km, trong đó bao gồm gần 10 nghìn 200 cảnh ảnh đa phổ và hơn 8.990 cảnh ảnh toàn sắc. Riêng vùng lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, vệ tinh VNREDSat-1 đã chụp và xử lý được hơn 4.400 ảnh (trong đó có 2.220 ảnh đa phổ và gần 2.190 ảnh toàn sắc). Theo chế độ làm việc, cứ sau ba ngày, hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 lại chụp được các cảnh ảnh về các khu vực khác nhau trên lãnh thổ nước ta và truyền về mặt đất để xử lý các sản phẩm ảnh chụp từ VNREDSat-1 đã được bàn giao đến các ngành và địa phương có nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với quá trình vận hành, khai thác an toàn và hiệu quả hệ thống VNREDSat-1, hơn ba tháng qua, Trung tâm Ðiều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (Viện HLKH và CNVN), đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu, phát triển dựa trên nền tảng kiến thức về hệ thống VNREDSat-1 nhằm nâng cao tính an ninh, an toàn và hiệu quả của hệ thống này. Các cán bộ của trung tâm đã triển khai, thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu phương pháp lập lịch thực hiện nhiệm vụ hằng ngày cho vệ tinh VNREDSat-1" bằng sản phẩm phần mềm mô phỏng quỹ đạo và lập lịch làm việc cho vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Theo đó, các yêu cầu chụp ảnh của khách hàng sẽ được bộ phận chuyên môn phân tích và đánh giá chính xác về tính khả thi, thời gian phù hợp nhất để tiến hành chụp ảnh, cũng như thời gian cần thiết để bàn giao sản phẩm ảnh; từ đây có thể đặt lịch làm việc cho hệ thống VNREDSat-1 trong khoảng thời gian ngắn hạn và dài hạn. Theo tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, một đề tài khác đang được triển khai trong hai năm 2013 - 2014 là "Nghiên cứu làm chủ quy trình công nghệ điều khiển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và đề xuất các quy định về vận hành, khai thác an toàn và hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1". Ðây là công trình đáp ứng yêu cầu thực tế cần phải có một bộ tài liệu chi tiết, chuyên sâu về toàn bộ hệ thống VNREDSat-1 - hệ thống vệ tinh quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai đầu tiên của Việt Nam. Kết quả này sẽ là nền tảng quan trọng cho các dự án vệ tinh nhỏ quan sát trái đất tiếp theo của nước ta trong thời gian tới (như vệ tinh VNREDSat-1B hợp tác với Bỉ, hay các vệ tinh khác hợp tác với Nhật Bản trong tương lai).
Dự án vệ tinh VNREDSat-1 là sự phối hợp vận hành, khai thác giữa các đơn vị thuộc Viện HLKH và CNVN với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ðây là dự án trọng điểm đặc biệt cho nên Văn phòng Chính phủ đã có chỉ đạo về sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan Viện HLKH và CNVN với Bộ Tài nguyên và Môi trường từ cuối tháng 5-2013. Một văn bản về "Quy chế phối hợp hoạt động trong quản lý, vận hành và khai thác hệ thống VNREDSat-1" đã được hai cơ quan ký kết vào đầu tháng 8-2013. Những nguyên tắc và nội dung, các quy chế, quy định hoạt động được xây dựng cụ thể nhằm xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi bên; tránh sự chồng chéo, kém hiệu quả trong vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1. Cơ chế phối hợp hoạt động này là cơ sở để xây dựng các quy chế phối hợp hoạt động cần thiết khác như quy chế về bảo mật an toàn dữ liệu vệ tinh và sản phẩm ảnh sử dụng giữa hai cơ quan; xác định mức độ ưu tiên các yêu cầu đặt ảnh; các quy định về tính toán giá thành, trách nhiệm cấp phát ảnh, quản lý đối tượng người dùng ảnh chụp từ vệ tinh... Trong điều kiện chưa hoàn thiện các văn bản pháp lý cần thiết giữa Viện HLKH và CNVN với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất ban hành các Công văn số 2091/VHL-KHTC và Công văn số 4862/BTNMT-TC, cho phép Cục Viễn thám quốc gia được cung cấp ảnh vệ tinh VNREDSat-1 cho các bộ, ngành, tổ chức và cá nhân dùng thử nghiệm với mức chi phí thỏa thuận.
Ðã hơn bảy tháng vệ tinh VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo không gian từ Guy-a-na (Pháp), và hơn ba tháng từ khi phía Pháp bàn giao toàn bộ hệ thống VNREDSat-1 cho Việt Nam quản lý. Nhờ có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực và trang thiết bị, đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam đã bước đầu làm chủ quy trình vận hành và khai thác có hiệu quả vệ tinh nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu ảnh chụp lãnh thổ Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Vấn đề đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để hoạt động quản lý, vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 ngày càng hiệu quả cao hơn. Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, cần có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm phát triển rộng rãi mạng lưới các đơn vị, tổ chức và cá nhân sử dụng ảnh viễn thám nói chung, trong đó có ảnh chụp từ vệ tinh VNREDSat-1 nói riêng (đến nay số lượng đăng ký sử dụng còn rất khiêm tốn). Phục vụ kịp thời và thiết thực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Nguồn:TS Bùi Trọng Tuyên, Trưởng ban QLVT nhỏ, Viện HLKHCNVN
Xử lý tin: Phùng Thị Huyền