Ứng dụng công nghệ Địa tin học trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý biên giới
Bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ Quốc gia luôn là nhiệm vụ thiêng liêng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Công tác quản lý tuyến biên giới nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn do chiều dài tuyến quá lớn, địa hình phức tạp. Công tác giám sát, quản lý tuyến biên giới đòi hỏi phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, có khả năng tra cứu và luôn được cập nhật thường xuyên.
Những năm gần đây, công nghệ Địa tin học đã có những bước phát triển đáng kể, được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực, hỗ trợ rất nhiều cho công tác quản lý và quy hoạch, tổ chức lãnh thổ. Hệ thông tin địa lý - GIS và viễn thám cho phép tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa hình, hiện trạng và ảnh vệ tinh, ảnh máy bay, ảnh chụp chính xác tại vị trí chụp ảnh. Trên cơ sở đó, trong chương trình hợp tác khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, Viện Công nghệ Vũ trụ được giao chủ trì nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tuyến biến giới Việt – Trung trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Mục tiêu của đề tài là xây dựng cơ sở dữ liệu GIS và viễn thám, và xây dựng công cụ hỗ trợ lưu trữ, cập nhật, tra cứu và quản lý hệ thống cột mốc và tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Sau thời gian thực hiện, đề tài đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thông tin địa lý và viễn thám để xây dựng thành công bộ cơ sở dữ liệu GIS và viễn thám tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lai Châu; công cụ hỗ trợ lưu trữ, cập nhật, tra cứu và quản lý dữ liệu biên giới; trang WebGIS quản lý, tra cứu và hiển thị cơ sở dữ liệu của đề tài; 2 bộ tài liệu hướng dẫn khai thác cơ sở dữ liệu và quản trị hệ thống; 3 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và 2 hội thảo tại địa phương.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đánh giá cao về tính thực tiễn với bộ cơ sở dữ liệu phong phú, theo quy chuẩn và các công cụ được phát triển riêng, hỗ trợ công tác quản lý, lưu trữ, tra cứu, cập nhật trực tuyến theo phân quyền trong hệ thống. Các ứng dụng viễn thám trong đề tài cho thấy khả năng khai thác sử dụng hiệu quả ảnh vệ tinh trong quản lý, giám sát biên giới, lãnh thổ. Việc ứng dụng công nghệ Địa tin học cho phép phân tích, chiết xuất thông tin có tính cấp thiết, đáp ứng được thực tiễn của công tác quản lý, nghiên cứu, đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, các ủy viên Hội đồng nhận xét đề tài có ý nghĩa lý luận, chính trị trong quản lý lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền; và khả năng ứng dụng hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; làm cơ sở khoa học nhân rộng mô hình ra các vùng biên khác trong cả nước; góp phần nâng cao năng lực quản lý, thực thi các nhiệm vụ quản lý tuyến biên giới, xây dựng một tuyến biên giới bình yên, ổn định.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu họp ngày 17/1/2020 đánh giá xếp loại Khá.
GS. TS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ tịch Hội đồng nhận xét, phát biểu tại buổi họp nghiệm thu
Ảnh giao diện chung của Hệ thống Cơ sở dữ liệu
Ảnh các thành viên đề tài phối hợp đi điều tra thực địa
Nguồn tin: Nguyễn Vũ Giang, Phòng Công nghệ viễn thám GIS, GPS