Hội thảo quốc tế Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường
Cùng với những thành tựu trong nghiên cứu vũ trụ và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám hiện đại đã hình thành và phát triển, đem lại hiệu quả cao cho nhiều hoạt động kinh tế xã hội như: điều tra cơ bản, khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát và bảo vệ môi trường, phát hiện, dự báo sớm để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, quản lý lãnh thổ cũng như ứng dụng trong an ninh, quốc phòng. Nhờ đó, công nghệ viễn thám có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của mọi quốc gia.
Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám, GIS và hệ thống định vị toàn cầu đã mở ra tiềm năng phát triển mới, mang tính công nghệ cao cho lĩnh vực này. Công nghệ viễn thám và GIS ngày nay được phát triển trên cơ sở hạ tầng của khoa học thông tin, nó bao gồm hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống hỗ trợ quyết định không gian (SDSS – Spatial Decision Support System), hệ thống định vị toàn cầu (Global Navigation Satellite System - GNSS) và viễn thám (Remote Sensing - RS). Những công nghệ này cho phép nghiên cứu, đánh giá các đối tượng tự nhiên cũng như các tai biến thiên nhiên một cách định lượng và chi tiết. Việc sử dụng công nghệ địa tin học cũng là một công nghệ mới trong việc hỗ trợ quản lý, điều hành và kết nối, chia sẻ, cập nhật dữ liệu giữa cơ quan quản lý và người sử dụng. Điều này sẽ rất có lợi vì tất cả những diễn biến hay biến động trên thực tế có thể được cập nhật một cách nhanh chóng, đồng thời những tính toán, dự báo của nhà quản lý sẽ được kịp thời chia sẻ.
Toàn cảnh hội thảo
Nhằm nâng cao tính hiệu quả trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ địa tin học trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đồng thời tăng cường việc giao lưu học thuật giữa các học giả có kinh nghiệm trong nước và quốc tế, ngày 16/11/2018 Trung tâm tiến tiến về công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý (thuộc Viện Công nghệ vũ trụ) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường”. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học đến từ nhiều trường Đại học, đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước như Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, Trường Đại học Littoral-Côte-d’Opale (UCLO) - Pháp, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (HUS/VNU); Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (NIAPP/MARD), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Công nghệ vũ trụ (STI), Viện Địa lý (IG), Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự được nghe 9 báo cáo khoa học, đồng thời trao đổi thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất của mình cũng như chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong quá trình ứng dụng các công nghệ viễn thám, công nghệ địa tin học trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ phát biểu tại hội thảo
Đại diện lãnh đạo Trung tâm tiến tiến về công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý - Viện Công nghệ vũ trụ, ông Phạm Minh Tuấn cho biết, với vai trò và mô hình hoạt động của Trung tâm tiến tiến về công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý, Trung tâm cần kết nối được các nhà khoa học có kinh nghiệm, xây dựng được mối quan hệ với các đơn vị, tổ chức nghiên cứu có uy tín. Do đó, tổ chức hội thảo quốc tế hàng năm là một trong những cách thức nhằm hiện thực hóa chiến lược này của Ban Lãnh đạo Trung tâm. Hội thảo lần này là một kênh giao lưu, kết nối hiệu quả giữa các nghiên cứu khoa học và vấn đề cấp thiết trong nước với các nghiên cứu chuyên sâu, có phương pháp tiếp cận hiện đại trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ viễn thám và địa tin học.
Chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Nguồn: Trung tâm tiến tiến