Diễn đàn “Phát huy hiệu quả vệ tinh giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai của Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, nghiên cứu khoa học và đào tạo”
Diễn đàn “Phát huy hiệu quả vệ tinh giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai của Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, nghiên cứu khoa học và đào tạo” do Viện Công nghệ vũ trụ phối hợp cùng Trung tâm Vệ tinh Quốc gia và Cục Viễn thám Quốc gia tổ chức là một sự kiện và cơ hội để chia sẻ, trao đổi và đánh giá những thành tựu đã đạt được đồng thời định hướng và đề xuất những hướng đi hiệu quả nhằm đưa vệ tinh quan sát Trái đất trở thành một công cụ đắc lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng, nghiên cứu khoa học và đào tạo trong cả nước.
Diễn đàn được tổ chức trong hai ngày 28 và 29 tháng 12 năm 2016 tại Viện Hàn lâm KHCNVN, số 18 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, khảo sát tại các trạm mặt đất thuộc hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam - VNREDSat-1. Mục tiêu của Diễn đàn là tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan vận hành vệ tinh quan sát Trái đất và cộng đồng người sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh trao đổi các vấn đề liên quan tới, công nghệ viễn thám, hoạch định chính sách, đề xuất các giải pháp triển khai và xác định vai trò trách nhiệm, của cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo cũng như các bên liên quan trong việc đào tạo tạo, bồi dưỡng nhân lực và ứng dụng vệ tinh quan sát Trái đất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Toàn cảnh Diễn đàn
Tham dự Diễn đàn có GS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, các đại diện từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; đại diện Sở TNMT và Sở KHCN các tỉnh; đại diện các cơ quan vận hành và khai thác vệ tinh quan sát Trái đất của Việt Nam, các Viện nghiên cứu liên quan đến công nghệ vũ trụ và công nghệ viễn thám như Viện Địa lý, Viện Địa chất, Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Vật lý địa cầu, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Học viện Kỹ thuật Quân sự; và đại diện một số trường đại học như: Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ- Địa chất, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về ứng dụng viễn thám.
GS. Phan Ngọc Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, GS. Phan Ngọc Minh nêu lên tầm quan trọng của việc giám sát các nguồn tài nguyên nhiên nhiên và ứng phó với thiên tai đang là những nhu cầu và nhiệm vụ then chốt của các bộ ngành nhằm đảm bảo, duy trì và nâng cao chất lượng sống của người dân, và đó cũng là yếu tố căn bản phục vụ quy hoạch và phát triển bền vững kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh-quốc phòng. Hiện nay, hầu hết các học viện, trường đại học chuyên ngành khoa học tự nhiên, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, quốc phòng… trên cả nước đều có chuyên ngành đào tạo về Viễn thám và sử dụng thường xuyên dữ liệu ảnh vệ tinh. Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển của ngành công nghệ vũ trụ.
GS. Phan Ngọc Minh nhấn mạnh, chúng ta đang sở hữu, vận hành và khai thác chủ động và hiệu quả các hệ thống vệ tinh hoàn chỉnh trong đó có vệ tinh giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai VNREDSat-1. Đồng hành cùng chương trình Khoa học và Công nghệ Vũ trụ giai đoạn một (2012-2015), hệ thống VNREDSat-1 đã cung cấp hàng vạn bức ảnh có giá trị cho các ứng dụng giám sát tài nguyên, thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, các sự cố môi trường và công tác bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên của các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt quan trọng là hàng vạn bức ảnh VNREDSat-1 đã được sử dụng cho các mục đích giám sát biển đảo và các mục đích an ninh-quốc phòng khác. Ngoài ra, dữ liệu của vệ tinh này cũng được chia sẻ với các đơn vị đào tạo trong nước và các tổ chức quốc tế góp phần chủ động hội nhập quốc tế về công nghệ vũ trụ. VNREDSat-1 chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa trong những năm tới. Giáo sư tin tưởng rằng trong tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ sở hữu các hệ thống ưu việt hơn như VNREDSat-2, LOTUSat và hạ tầng công nghệ vũ trụ sẽ ngày càng hoàn thiện và tích cực, chủ động tham gia các nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
TS. Bùi Trọng Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ trình bày báo cáo khoa học tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn lần này, các cơ quan quản lý Nhà nước đã giới thiệu về các quy định hiện hành trong việc quản lý và khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh quan sát Trái đất phục vụ các mục tiêu giám sát tài nguyên, thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Các đại biểu đã được nghe 16 báo cáo khoa học và cùng nhau trao đổi, đánh giá thực trạng, nhu cầu và thách thức trong phát triển ứng dụng viễn thám tại Việt Nam, xem xét các chính sách, biện pháp để thúc đẩy phát triển ứng dụng. Những giải pháp, kiến nghị được đưa ra tại Diễn đàn sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Việt Nam đối với việc phát triển nhân lực và ứng dụng vệ tinh quan sát Trái đất phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau của Việt Nam nhằm góp phần thực hiện thành công “Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn