BẢN TIN VNREDSAT-1 ĐẶC BIỆT: Chào mừng kỷ niệm hai năm ngày phóng vệ tinh VNREDSat-1 lên quỹ đạo
Ngày 7/5/2015, tròn hai năm hệ thống VNREDSat-1 được sử dụng như một công cụ giám sát tích cực, tạo thế chủ động cho các cơ quan chức năng có thêm một kênh thông tin khách quan, chủ động tin cậy trong quản lý tài nguyên môi trường phục vụ nghiên cứu khoa học, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia.
VNREDSat-1, hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam là một hệ thống công nghệ cao, cấu phần bởi một quả vệ tinh và các cơ sở dưới mặt đất, đã và đang hoạt động an toàn và được khai thác hiệu quả trong suốt hai năm qua, kể từ vệ tinh ngày phóng lên quỹ đạo (7/5/2013). Từ đó đến nay, hệ thống VNREDSat-1 được sử dụng như một công cụ giám sát tích cực và chủ động phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Hai năm hoạt động bền bỉ, không có bất cứ sự cố nghiêm trọng nào, đặc biệt năng lực chụp ảnh cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật vẫn được đảm bảo như thiết kế ban đầu, điều này đồng nghĩa với việc hệ thống VNREDSat-1 liên tục và đều đặn cung cấp dữ liệu ảnh viễn thám trong suốt thời gian kể trên cho các cơ quan sử dụng.
Sau 2 năm hoạt động, hệ thống VNREDSat-1 đã chụp, xử lý và lưu trữ thành công hơn 34.000 cảnh ảnh với kích thước 17,5km x 17,5km bao gồm các cảnh ảnh đa phổ (Multi-Spectral) và toàn sắc (Panchromatic).
Đối với riêng vùng lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, hệ thống VNREDSat-1 đã chụp và xử lý được 18.325 cảnh, trong đó có 9.050 ảnh đa phổ và 9.175 ảnh toàn sắc. Các sản phẩm ảnh này đã được bàn giao đến các nhóm người sử dụng và được đánh giá là có chất lượng tốt, tính thời sự cao, rất kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, các sản phẩm ảnh của hệ thống VNREDSat-1 đã thể hiện tính ưu việt trong các công tác có tính đặc thù cao.
Ảnh vệ tinh VNREDSat-1 chụp lãnh thổ Việt Nam sau 2 năm hoạt động
Đến nay, hệ thống VNREDSat-1 đã không còn xa lạ đối với cộng đồng sử dụng ảnh viễn thám tại Việt Nam, đây cũng là sự ghi nhận đáng tự hào đối với công tác vận hành và khai thác hệ thống này. Để đạt được niềm tin này, đội ngũ kỹ sư thuộc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (TTDKTVTN) thuộc Viện Công nghệ vũ trụ và Cục Viễn thám quốc gia (Bộ tài nguyên và môi trường) đã không ngừng hoàn thiện, nâng cao trình độ và làm chủ hoàn toàn hệ thống VNREDSat-1 trong việc điều khiển, vận hành, lập nhiệm vụ, xử lý cũng như thực hiện các thao tác khắc phục sự cố hay các thao tác đặc thù khác. Cụ thể là đội ngũ cán bộ thuộc TTDKKTVTN nhiều lần phải thực hiện việc tính toán và hiệu chỉnh quỹ đạo vệ tinh VNREDSat-1, phân tích và điều khiển vệ tinh để tránh va chạm với rác vũ trụ, hiệu chỉnh thiết bị chụp ảnh trên vệ tinh, nâng cấp phần mềm trên vệ tinh… Tất cả những thao tác này chỉ nhằm mục đích duy trì các thông số kỹ thuật của hệ thống nhằm đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1.
Hai năm qua cũng ghi nhận nhiều mốc quan trọng trong việc hội nhập quốc tế về công nghệ vũ trụ của Việt Nam, trong đó có sự tham gia tích cực của hệ thống VNREDSat-1. Cụ thể là, đội ngũ kỹ sư của Việt Nam đã hợp tác với Cơ quan phát triển địa-tin học và công nghệ vũ trụ của Thái Lan (GISTDA) trong việc tìm kiếm khả năng chia sẻ và hợp tác giữa hệ thống VNREDSat-1 của Việt Nam và hệ thống THEOS của Thái Lan. Hai bên cũng tham gia tích cực trong việc phối hợp chụp ảnh nhằm tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaisia năm 2014. Ngoài ra, vệ tinh VNREDSat-1 cũng tham gia tích cực vào các nỗ lực khắc phục thảm họa của UNESCAP, cụ thể là chụp ảnh hậu quả động đất ở Trung Quốc, lũ lụt ở Ấn Độ và Pakistan hay hậu quả động đất ở Nepal gần đây.
Sự thành công của VNREDSat-1 đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ vũ trụ cho Việt Nam, tích cực và chủ động đóng góp cho các nhiệm vụ khoa học, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, và quan trọng hơn cả là góp phần tạo dựng và phát triển nguồn nhân lực đủ năng lực để tiếp thu công nghệ, tiếp nhận và khai thác các hệ thống vệ tinh trong tương lai của Việt Nam.
Nguồn: TT Điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ