Ngày Đất ngập nước Thế giới: Cùng hành động bảo vệ, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước
Khu vực đất ngập nước ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng và giá trị quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân cũng như đóng vai trò lớn trong đời sống văn hóa - xã hội.
02/02/2023
Đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, Bình Định (Ảnh minh hoạ - Ảnh: P.H)
Phục hồi đất ngập nước từ hôm nay
Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; đảm bảo đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật; đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân. Hiện nay vùng đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới; hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước; có tới 40% các loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản yêu cầu hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2023. Theo đó, để hưởng ứng đề nghị của Ban thư ký Công ước Ramsar và lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về Thập kỷ “Phục hồi Hệ sinh thái”, Ban thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới vào ngày 2 tháng 2 năm 2023.
Chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2023 là “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay - Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước” nhằm nêu bật nhu cầu cấp thiết phải ưu tiên phục hồi các vùng đất ngập nước và kêu gọi tất cả mọi người thực hiện các hành động để phục hồi đất ngập nước bị suy thoái.
Các hoạt động hưởng ứng của Việt Nam bao gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với sự sống của con người và thiên nhiên, tăng cường nhận thức về các mối đe dọa chính đối với hệ sinh thái đất ngập nước, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, tăng cường quản lý, phục hồi đất ngập nước.
Tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp, tổ chức lễ kỷ niệm, các cuộc thi, triển lãm hoặc phát động các phong trào gắn với chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2023. Tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của Bộ, ngành và địa phương; đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.
Nghị định số 109/2003/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp đến bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước, góp phần thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam là quốc gia thành viên Công ước Ramsar.
Việt Nam triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trên toàn quốc, kiểm soát và hạn chế các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên đất ngập nước, đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngập nước; nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên đất ngập nước.
Tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
Đến năm 2025, Việt Nam hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.
Đến năm 2030, các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường.
Để thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ, 6 nhóm giải pháp được tập trung gồm: hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng đất ngập nước; tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước; đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các các Bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức tốt các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, công đồng; tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng các nội dung về bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng bản địa, cây con dược liệu và các tri thức truyền thống liên quan. Đồng thời, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên bảo vệ; thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra của Công ước đa dạng sinh học cũng như mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.
Góp phần vào sự thịnh vượng của toàn cầu
Các vùng đất ngập nước không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa và môi trường mà còn góp phần vào sự thịnh vượng của toàn cầu.
Được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái đất ngập nước đa dạng với khoảng hơn 25 vùng có thể đáp ứng được tiêu chí của vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar, Việt Nam đã phê chuẩn, trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar từ năm 1989 và là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tham gia Công ước.
Thông qua việc phê chuẩn Công ước Ramsar, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thiết lập một hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước tiêu biểu. Đến nay, Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận vào là khu Ramsar thế giới.
Năm 1989, khu bãi bồi ở phía Nam cửa sông Hồng thuộc huyện Xuân Thủy (Nam Định) được công nhận là khu Ramsar thứ 50 của thế giới và là khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Vườn quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định là một trong các khu rừng ngập nước quan trọng của Việt Nam và được xem như “sân ga” của nhiều loài chim di cư quý hiếm. Đây còn là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, nơi cư trú của các loài chim nước) đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, từ năm 1989. Đến tháng 12/2004, UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó Vườn quốc gia Xuân Thủy ở khu vực trung tâm.
Năm 2005, Khu Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) được công nhận là Ramsar thứ 1.499 của thế giới, đồng thời là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam.
Bàu Sấu nằm trong vùng chim đặc hữu của vùng đất thấp, trong đó có hàng chục loài sống mật thiết với các vùng đất ngập nước, bao gồm cả các loài bản địa và các loài chim di trú. Trong đó, có các loài chim quý hiếm như hạc cổ trắng, công, già đẫy java, cò quắm cánh xanh, ngan cánh trắng...
Năm 2011, Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) được công nhận là khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới và thứ ba của Việt Nam.
Ở độ cao hơn 300m so với mặt nước biển, Vườn Quốc gia Ba Bể - “lá phổi xanh” nơi rừng đại ngàn Việt Bắc là một phức hệ gồm cả “sông-hồ-núi”. Nhiều loài động thực vật ở Vườn Quốc gia Ba Bể thuộc vào loại đặc biệt quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Sở hữu một khu rừng đặc dụng với hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) từ lâu đã nổi tiếng là “ốc đảo xanh” với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, trở thành khu Ramsar thứ tư của Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới. Hệ sinh thái của vùng được mệnh danh là "Đồng Tháp Mười thu nhỏ" càng trở nên đặc biệt đa dạng hơn vào mùa nước nổi (từ tháng 8-11 âm lịch).
Trong năm 2012, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau) được công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là thứ năm của Việt Nam.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích bãi bùn ngập triều lớn và rừng ngập mặn với các loài chiếm ưu thế như mắm; đước; trang. Đây là khu vực duy nhất ở Việt Nam có ba mặt giáp với biển, chịu tác động của hai chế độ thủy triều (nhật triều phía Tây và bán nhật triều ở phía Đông).
Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) được công nhận là khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới và thứ sáu của Việt Nam.
Tại Vườn quốc gia Côn Đảo đã ghi nhận trên 1.000 loài thực vật có mạch và nhiều loại chim, thú, bò sát, ếch nhái tại đây. Có nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác ở Việt Nam như chim nhiệt đới, chim điên mặt xanh và gầm gì trắng.
Năm 2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen trở thành khu Ramsar thứ bảy của Việt Nam. Khu Láng Sen thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười, có hệ sinh thái đa dạng. Qua khảo sát, vùng Láng Sen có 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống, trong đó có 13 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như trăn đất, rắn ráo, chim bạc má...
Năm 2016, Vườn quốc gia U Minh Thượng trở thành khu Ramsar thứ tám của Việt Nam. Tại U Minh Thượng có 72 loài động, thực vật quý, hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục đỏ IUCN 2012.
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long trở thành khu Ramsar thứ chín của Việt Nam và thứ 2.360 của thế giới. Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn còn sót lại ở Đồng bằng sông Hồng gồm các dòng sông, hồ nước nông và thảm thực vật ngập nước phong phú, mang các đặc tính sinh thái đặc thù tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có tổng diện tích 2.736 ha thuộc địa giới hành chính 7 xã của huyện Gia Viễn. Đây là nơi sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam là "Khu bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào".
Với nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, năm 2020, Việt Nam công bố thành lập thêm được 2 khu bảo tồn đất ngập nước gồm Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) và Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình). Năm 2021, Việt Nam đề cử danh hiệu khu Ramsar cho vùng đất ngập nước Bắc Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai). Đến nay, Việt Nam đã có 47 vùng đất ngập nước được quy hoạch trên phạm vi toàn quốc...