Phiên họp lần thứ 22 Diễn đàn các Cơ quan Vũ trụ Châu Á-Thái Bình Dương
Với khẩu hiệu “Chia sẻ giải pháp qua sức mạnh tổng hợp từ không gian“, phiên họp lần thứ 22 của Diễn đàn các Cơ quan Vũ trụ Châu Á-Thái Bình Dương APRSAF (Asia-Pacific Regional Space Agency Forum) diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 12 năm 2015 tại Bali, Indonesia. Phiên họp được LAPAN (Viện Hàng không vũ trụ quốc gia Indonesia) và JAXA (Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản) đồng tổ chức.
Sau hơn 20 năm không ngừng mở rộng các hoạt động, APRSAF đã trở thành cộng đồng lớn nhất liên quan tới công nghệ vũ trụ ở khu vự Châu Á – Thái Bình Dương. Mặc dù không có cơ chế thành viên chính thức mà hoạt động trên cơ sở tự nguyện, APRSAF đã thúc đẩy quan hệ giữa các nước trong khu vực trên lĩnh vực hoạt động liên quan đến công nghệ vũ trụ. Trong hơn 20 năm hoạt động của APRSAF, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, và theo đó là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Đến nay, nhiều nước trong khu vực đang vận hành những vệ tinh của riêng mình. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, khu vực đang đối mặt với một loạt thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng và các thảm họa thiên nhiên. Giải pháp vượt qua các thách thức này không chỉ đơn giản là tăng cường khả năng về công nghệ vũ trụ mà quan trọng hơn là sự đóng góp vào các nỗ lực chung. Chính vì vậy, chủ đề và nội dung của APRSAF 22 tập trung vào “sức mạnh tổng hợp” (“synergy in space”).
Trước phiên họp toàn thể được tổ chức vào ngày 3 và 4 tháng 12, từ ngày 28 tháng 11 đã diễn ra một loạt phiên họp và hoạt động của các nhóm làm việc (working group) trong khuôn khổ của APRSAF như SAFE Workshop, Kibo-ABC workshop, Sentinel Asia Tsunami và các hoạt động khác như sự kiện thi tên lửa nước.
SAFE workshop ngày 30/11/2015
Trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có vai trò tích cực trong các cuộc gặp gỡ thuộc khuôn khổ APRSAF. Phiên họp lần này chứng kiến sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến từ các cơ quan của Việt Nam như: Trung tâm Vệ tinh Quốc gia và Viện Công nghệ vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ…Các đại biểu Việt Nam tham gia trình bày và đóng góp nhiều ý kiến trong các phiên làm việc của Space Technology Working Group và Space Application Working Group.
Theo VAST