Hội thảo “Hệ thống quan sát Trái đất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10”
Trong 3 ngày 18,19 và 20/9/2017 tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp Bộ Giáo dục – Văn hóa – Thể thao – Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) tổ chức Hội thảo “Hệ thống quan sát Trái đất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10 (GEOSS-AP 10) với chủ đề: “Thúc đẩy nhận thức về mục tiêu phát triển bền vững trong hoạt động quan sát Trái đất: Bài học rút ra từ khu vực Châu Á – Châu Đại Dương”.
Hội thảo nhằm mục đích cung cấp cho các nhà nghiên cứu, kỹ sư và sinh viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương một diễn đàn để trao đổi thông tin, thảo luận hợp tác về sáng kiến cụ thể và các hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học khác liên quan tới sử dụng dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm vũ trụ Việt Nam; Ban thư ký tổ chức GEO; Bộ Giáo dục – Văn hóa – Thể thao – Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), cùng khoảng 200 đại biểu từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Lào, Malaysia, Mongolia, Pakistan, Hàn Quốc…
GEOSS được cộng đồng GEO (Group of Earth observation – Nhóm quan sát trái đất - một tổ chức hợp tác gồm hơn 100 thành viên là chính phủ các quốc gia và các tổ chức trên Thế giới tham gia) thành lập nhằm đạt được kết quả tốt hơn trong việc tích hợp các hệ thống quan sát và chia sẻ dữ liệu thông qua việc kết nối các cơ sở hạ tầng sử dụng chuẩn chung. Năm 2014, Việt Nam đã tham gia và trở thành viên nhóm quan sát Trái đất GEO.
Những năm gần đây, theo định hướng của "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020", Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm mở rộng hợp tác quốc tế và hợp tác khu vực trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, như tham gia các kỳ họp của GEO, GEOSS, Diễn đàn các Cơ quan Vũ trụ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APRSAF), Liên đoàn Vũ trụ quốc tế (AIF); ký kết và triển khai hợp tác với một số cơ quan hàng không vũ trụ của các nước như: Nhật Bản (JAXA), Hàn Quốc (KARI); tổ chức các hội nghị quốc tế về ứng dụng công nghệ vũ trụ vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng tránh thiên tai, quản lý môi trường, tài nguyên...
GS.VS. VS. Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, phát biểu khai mạc tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, GS.VS. Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN gửi lời chào mừng và cám ơn tất cả các đại biểu đã đến tham dự hội thảo, đồng thời cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trên thực tế, lũ quét, sạt lở đất, áp thấp nhiệt đới và bão đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Mông Cổ… cũng bị ảnh hưởng bởi động đất, lũ lụt và hạn hán. Vì vậy, hội thảo là cơ hội để chúng ta chia sẻ thông tin, thảo luận về nhu cầu của Châu Á – Châu Đại dương về quan sát sinh vật, quan sát biển, các dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất, đặc biệt là xác định phương thức đẩy mạnh công nghệ vũ trụ và ứng dụng công nghệ vũ trụ trong việc giám sát thiên tai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền bững và tạo lập cuộc sống tốt đẹp hơn trong môi trường xanh. GS.VS. Châu Văn Minh cũng bày tỏ hy vọng hội thảo không chỉ là nơi các đại biểu cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hiểu biết về công nghệ vũ trụ, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các nước trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ vũ trụ và đào tạo nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2017, Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị GEOSS khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10 (GEOSS-AP 10). Trước đó, năm 2016 Hội thảo này được tổ chức tại Nhật Bản. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam cho biết: “Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường và mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ”.
Hội thảo Hệ thống quan sát Trái đất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10 (GEOSS-AP 10) lần này bao gồm 2 phiên họp toàn thể và phiên họp của các nhóm làm việc (Working Groups) tập trung vào các nội dung về vấn đề thúc đẩy triển khai hệ thống quan trắc Trái đất toàn cầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Nhu cầu của Việt Nam đối với thông tin và dữ liệu duan sát Trái đất và các kinh nghiệm cụ thể… nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên và thúc đẩy triển khai hệ thống quan trắc Trái đất toàn cầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo:
PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam giới thiệu những nét chính về Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam
TS. Akiko Noda, Ban thư ký Nhóm Quan sát trái đất - GEO phát biểu tại hội thảo
Bà Mami Oyama, đại diện Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản - MEXT phát biểu tại hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
Theo VAST